Về lý thuyết, quá trình từ khi nguồn nước đã qua xử lý của nhà máy đến tay người dùng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt và không được chứa bất kỳ chất độc hại nào gây rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên trong thực tế, các bất thường về nguồn nước sạch vẫn có thể xảy ra do quy trình xử lý nước có vấn đề, như trong sự cố ô nhiễm nước sạch Hà Nội mới đây. Vấn đề được quan tâm nhất lúc này là làm sao nhận biết nước uống an toàn và xử lý thế nào khi nguồn nước sạch bị ô nhiễm.
1. Các chất gây ô nhiễm nguồn nước sạch
Nguồn nước có thể bị ô nhiễm theo nhiều cách, bao gồm:
- Chứa vi sinh vật như vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập từ phân người, động vật;
- Nhiễm hóa chất từ chất thải công nghiệp hoặc từ thuốc trừ sâu, phân bón hóa học khi nuôi trồng (nitrat sử dụng trong phân bón có thể ngấm vào nước qua dòng chảy từ đất);
- Các khoáng chất khác nhau như chì hoặc thủy ngân có thể xâm nhập vào nguồn nước từ trầm tích tự nhiên dưới lòng đất, hoặc do quá trình xử lý chất ô nhiễm không đúng cách.
Các hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước sạch có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả mọi người, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn với một số đối tượng sau:
- Người đã trải qua hóa trị;
- Người nhiễm HIV;
- Bệnh nhân ghép tạng;
- Trẻ em và trẻ sơ sinh;
- Phụ nữ có thai và thai nhi;
2. Chất lượng và mức độ an toàn của nguồn nước sinh hoạt
2.1 Nước máy
Nước máy khi đến tay người sử dụng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Các chất ô nhiễm vẫn có thể có, nhưng thường không gây ra bất kỳ rủi ro nghiêm trọng nào về sức khỏe. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nguồn nước không được xử lý triệt để, dẫn tới tồn dư chất độc hại trong nước, như sự cố nước sạch Hà Nội xảy ra mới đây.
Ô nhiễm nước sạch có thể do nhiễm độc từ đầu nguồn mà quá trình xử lý tại nhà máy không thể làm sạch được, do vỡ đường ống nước, hoặc do chì từ đường ống thấm vào nước – đây là vấn đề khá nghiêm trọng bởi dù đường ống được dán nhãn “không chì” thì vẫn có thể chứa 8% chì trong thành phần.
Cách tốt nhất để tránh hấp thụ chì trong nước máy là để nước chảy ra khoảng 1 phút trước khi sử dụng. Nếu dùng cho mục đích ăn, uống thì chỉ lấy nước từ vòi lạnh, không dùng vòi ấm/nóng do nhiệt độ cao có thể khiến chì ngấm vào nước nhiều hơn.
2.2 Nước giếng
Hiện nay nước giếng vẫn được sử dụng nhiều trong sinh hoạt của người dân. Chất lượng và độ an toàn của nước giếng phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Cấu trúc xây dựng của giếng;
- Vị trí đặt giếng;
- Chất lượng của tầng nước ngầm cung cấp cho giếng;
- Các công trình quanh khu vực đặt giếng;
- Cách thức duy trì nguồn nước cho giếng.
Những yếu tố này nên được trao đổi kỹ càng với người có chuyên môn trước khi quyết định xây dựng giếng. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng nước giếng cần kiểm tra chất lượng nước và cấu trúc giếng thường xuyên, ngay khi phát hiện bất thường phải tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết sớm.
2.3 Nước đóng chai
Nước đóng chai thường được xem là an toàn cho sức khỏe, khi phải tuân theo các quy định khá chặt chẽ về nguồn nước, mức độ cho phép của hóa chất, vi sinh, phóng xạ; tiêu chuẩn thực hành và quy định ghi nhãn hàng hóa,…
Tuy nhiên trên thực tế, khoảng 25% nước đóng chai chỉ đơn giản là nước máy đã qua tinh chế. Vậy làm thế nào để biết được nước đóng chai thực sự là nước khoáng thiên nhiên hay chỉ là một sản phẩm của máy lọc nước? Hãy tìm trên nhãn chai, nếu có có cụm từ “nước ngầm” thì đó là nước khoáng tự nhiên, trong khi những loại còn lại chỉ ghi “nước tinh khiết” hoặc “chưng cất”.