Rác thải, ô nhiễm dòng sông thật sự là những thử thách đối với sự phát triển chung của TP Phú Quốc, nhất là ngành du lịch
Phú Quốc có khoảng 120.000 dân sinh sống, có ngày nơi đây đón hàng chục ngàn lượt khách du lịch. Lượng lớn rác sinh hoạt thải ra môi trường trên đảo đang đe dọa những dòng sông, con suối.
Sông, suối, rừng điêu đứng
Sông Dương Đông với chiều dài 21,5 km là dòng sông quan trọng chảy qua phường Dương Đông, TP Phú Quốc. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm trên sông mỗi ngày một trầm trọng. Nguyên nhân chính là do thiếu hệ thống thu gom, thoát và giải quyết nước thải đô thị tập trung.
Nước thải từ các hoạt động sản xuất, buôn bán, dịch vụ, thương mại thiếu sự kiểm soát nghiêm ngặt. Chất thải rắn chưa được thu gom, giải quyết triệt để và việc xây dựng tràn lan làm suy giảm nghiêm trọng dòng chảy tự nhiên của sông. Nhiều năm trước, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quy hoạch chi tiết hai bên bờ toàn tuyến sông Dương Đông là 2 mảng xanh tách biệt với khu dân cư để giữ không ô nhiễm. Thế nhưng, đến nay quy hoạch này chưa được thực hiện.
Hằng quý, hằng năm, trong những cuộc họp, hội thảo, hội nghị… vấn đề ô nhiễm sông Dương Đông luôn được đặt ra. Nhiều giải pháp được nêu song thực trạng không cải thiện, dòng sông huyết mạch của đảo ngọc vẫn bị xâm hại từng ngày. Nguy cơ là thế, tuy nhiên, trong buổi thảo luận về vấn đề ô nhiễm sông Dương Đông do tỉnh Kiên Giang tổ chức gần đây, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, thông tin chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 dù đã được phê duyệt nhưng chưa có kinh phí để thực hiện.
Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang từ năm 2018 đến 2021 cho thấy có khá nhiều thông số kỹ thuật trong nước sông Dương Đông vượt quy chuẩn cho phép. Đặc biệt, vào giữa năm 2019, nước trên sông Dương Đông và một số rạch tiếp giáp bị ô nhiễm và độc hại nghiêm trọng, xuất hiện tình trạng cá chết.
Không chỉ sông Dương Đông, rạch Ông Trì nằm ở phía Bắc khu đô thị trung tâm TP Phú Quốc đóng vai trò kết nối 2 con rạch chính phía Bắc, dẫn nước từ núi Ông Phụng, núi Gành Gió rồi chảy qua khu chợ trung tâm, hòa vào sông Dương Đông cũng bị ô nhiễm nặng. Nhiều khu dân cư lấn chiếm rạch, thậm chí có những địa điểm bị lấp, đặt cống làm tắc nghẽn dòng nước chảy qua.
Gần đó, các suối Ông Đáo, Bà Kèo, Bà Phong… bị san lấp, xâm lấn đáng báo động bởi các công trình xây dựng nhà ở, nhà hàng, khách sạn, resort. Thậm chí, nhiều đoạn suối, dòng chảy bị chặn đứng bởi rác thải và công trình xây dựng kiên cố.
Cùng với tình trạng các dòng sông, suối bị bóp nghẹt, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn TP Phú Quốc, nhiều diện tích rừng bị đốn hạ để chiếm đất.
Gánh nặng rác thải
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng sự phát triển nóng của Phú Quốc cùng áp lực gia tăng dân số là thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước và rác thải. “Thực trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số điểm, khu vực đã xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc. Trong đó, tình trạng ô nhiễm sông Dương Đông là vấn đề cấp bách. Nếu không có biện pháp xử lý khả thi sẽ là rào cản đối với sự phát triển của Phú Quốc trong tương lai” – ông Nhàn nhận định.
Theo thống kê, trong năm 2021, Phú Quốc đón 634.000 lượt khách du lịch, phát sinh khoảng 180 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày. Trước đó, năm 2020, mỗi ngày tại Phú Quốc thải ra khoảng 300 tấn rác nhưng chỉ thu gom được 50%. Từ tháng 7-2020, rác được đưa về bãi rác Đồng Cây Sao ở xã Cửa Dương, đến nay, lượng rác tồn đọng tại đây chưa được xử lý trên 100.000 tấn.
Tháng 6-2022, Phú Quốc đưa vào vận hành thử nghiệm nhà máy xử lý rác tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh với công suất 60 tấn/ngày. Nhà máy này đang nâng công suất lên 100 tấn/ngày, chủ yếu xử lý bằng cách đốt, trong khi tổng số lượng rác thải của toàn thành phố hiện khoảng 180 tấn/ngày.
Đã không đủ công suất như vậy, quá trình thử nghiệm còn bị hàng chục hộ dân xung quanh phản ứng gay gắt vì việc xử lý rác không bảo đảm an toàn, gây ô nhiễm khu vực xung quanh.
Theo tìm hiểu, ngày 11-5, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 1176 phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó có dự án khu xử lý chất thải rắn Phú Quốc công suất 150 – 200 tấn/ngày, vốn đầu tư 337 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư.